Tiêu dùng xanh- Xu hướng lối sống mới của xã hội hiện đại
Tiêu dùng xanh được coi là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới trong mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững. Xu hướng này mang đến nhiều lợi ích và ngày càng được nhiều người hưởng ứng với những hành vi tiêu dùng xanh và các dòng sản phẩm xanh. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra bài toán khá lớn khi phải giải quyết xung đột giữa lợi ích doanh nghiệp và tăng trưởng xanh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn thế nào là tiêu dùng xanh và mối quan hệ giữa sản xuất xanh - tiêu dùng xanh trong nền kinh tế hiện nay.
Thế nào là tiêu dùng xanh?
Tiêu dùng xanh hay Green Consumption là một phần tất yếu của quá trình tiêu dùng bền vững. Xu hướng này đặc trưng bởi việc mua và sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh bao gồm quá trình sản xuất xanh, mua bán và sử dụng các sản phẩm “xanh” với các nguyên, vật liệu từ thiên nhiên.
Các sản phẩm tiêu dùng xanh thường có nguồn gốc hữu cơ hoặc chứa các thành phần đơn giản, dễ phân huỷ. Xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng có sự ảnh hưởng tích cực đối với người dân trong thời gian gần đây với nhiều sản phẩm đa dạng. Trên thị trường xuất hiện nhiều ngành hàng tiêu dùng xanh như gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm,…..
Nguyên tắc tiêu dùng xanh bền vững
Theo IGPN, mạng lưới mua sắm xanh toàn cầu, 4 nguyên tắc cơ bản của tiêu dùng xanh bao gồm:
Nguyên tắc số 1 là xem xét sự cần thiết mua sản phẩm mới. Trước khi quyết định mua một sản phẩm, bạn cần cân nhắc kỹ xem sản phẩm hoặc dịch vụ đó có thực sự hữu dụng và cần thiết. Ngoài ra, việc thay đổi hoặc sửa chữa các sản phẩm đang sử dụng cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nguyên tắc số 2 của tiêu dùng xanh là xem xét vòng đời của sản phẩm. Khi mua bất cứ sản phẩm nào, người tiêu dùng cần cân nhắc các tác động khác nhau đến môi trường trong suốt vòng đời của nó. Bạn nên chú ý đến quá trình sản xuất, thu mua nguyên liệu thô cho đến khi thải bỏ sản phẩm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các chất độc hại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tái chế và mở rộng vòng đời của sản phẩm.
Nguyên tắc số 3 là cân nhắc những nỗ lực bảo vệ môi trường của nhà cung ứng sản phẩm tiêu dùng xanh. Bên cạnh việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng xanh cũng cần xem xét cả những hoạt động của nhà cung ứng như ứng dụng các chính sách, biện pháp và các công tác bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc số 4 là thu thập các thông tin về môi trường như nhãn môi trường, thông tin doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc trên các website đánh giá, bán hàng. Các thông tin chi tiết về môi trường của sản phẩm cũng nên được cung cấp đầy đủ để người tiêu dùng hiểu rõ hơn khi quyết định mua.
Xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay
Xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và tác động tích cực đến cộng đồng. Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, các doanh nghiệp Việt đang cố gắng xây dựng thương hiệu “xanh” hoá. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng xanh, gắn với sự phát triển bền vững đang ngày càng tăng trưởng mạnh.
Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam năm 2020, mức tăng trưởng của các thương hiệu “sạch” và “xanh” đạt khoảng 4%/ năm. Thậm chí, các ngành hàng thực phẩm, nước giải khát có mức tăng trưởng cao và tăng nhanh hơn so với toàn thị trường, khoảng 2,5- 11,4%. Doanh số bán hàng của các thương hiệu tiêu dùng xanh và ưu tiên tính bền vững cao gấp 4 lần so với các thương hiệu thông thường.
Xu hướng tiêu dùng xanh kéo theo sự ra đời của hàng loạt các thương hiệu thực phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam như Co.opmart, Lotte cũng đang chuyển hướng sang sử dụng các loại giấy gói dễ phân huỷ, bao bì thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, người dân cũng đang có những chuyển biến tích cực trong việc tiêu thụ sản phẩm xanh. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm sạch, có thương hiệu “xanh”. Hơn nữa, ngày càng nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể như hạn chế túi nilon, tái chế đồ cũ,….
Xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới biểu hiện như thế nào?
Trong bối cảnh môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, tiêu dùng xanh trở thành xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau và có chiến lược, chính sách cụ thể ở từng quốc gia.
Tại Hoa Kỳ, tiêu dùng xanh được thiết lập và triển khai thực hiện trong một số chương trình Liên bang với những thông báo về giá thành, tác động tới môi trường và các yếu tố khác của sản phẩm. Chính sách giảm thuế tín dụng đối với các loại xe sử dụng năng lượng sạch được đưa ra nhằm khuyến khích người dân hạn chế mua xe chạy bằng xăng, dầu.
Tại các nước EU, nhiều dự án, nghiên cứu được triển khai trong các nước thành viên để thúc đẩy tiêu dùng xanh công. Các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và cơ quan công tham gia vào mua sắm xanh cũng ngày càng hiệu quả. Uỷ ban EU cũng triển khai nhiều công cụ như gắn nhãn sinh thái, hiệu quả năng lượng EU để người tiêu dùng nhận biết các tác động từ môi trường của sản phẩm.
Tại Hàn Quốc, xu hướng tiêu dùng xanh đã bắt đầu khá sớm và được chính phủ áp dụng nhiều chính sách cho sản xuất, tiêu dùng nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường. Chính phủ đã hợp tác với các công ty thẻ tín dụng để đưa ra hệ thống thẻ tín dụng xanh để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại Trung Quốc, xu hướng tiêu dùng xanh đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Chính phủ đã tiến hành nhiều cải cách trong các chương trình ghi nhãn sinh thái, thúc đẩy công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp,... Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu cắt giảm vật liệu đóng gói trong quá trình sản xuất để giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.
Vai trò của tiêu dùng xanh
Thấy được vai trò của tiêu dùng xanh, nhiều quốc gia đã triển khai và thực hiện các đề án, chính sách thúc đẩy mối quan hệ sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Tiêu dùng xanh mang đến nhiều lợi ích quan trọng và có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Tiêu dùng xanh bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thông qua sử dụng các sản phẩm xanh. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều thương hiệu sản phẩm xanh, sạch với chất lượng tốt để người dùng lựa chọn. Các sản phẩm an toàn, làm từ thiên nhiên như xăng E5, xăng không chì, hạn chế các khí thải độc hại sẽ giúp cuộc sống con người trở nên thoải mái, dễ chịu hơn. Tiêu dùng xanh giảm thiểu các hệ luỵ lâu dài về sức khỏe và môi trường, tiến tới phát triển bền vững.
Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí sản xuất
Tiêu dùng xanh có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm chi phí sản xuất. Mua sắm xanh thúc đẩy tái chế chất thải, tiết kiệm chi phí sản xuất mới và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, tiêu dùng xanh còn giúp giảm thiểu tối đa bao bì đóng gói có hại và khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.
Mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh
Tiêu dùng xanh mở nhiều một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí nguồn nguyên liệu sạch, sản xuất tiết kiệm, xử lý rác thải đạt chuẩn,... sẽ có cơ hội thâm nhập vào các thị trường khó tính. Đồng nghĩa, các doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi cao khi xuất khẩu các loại sản phẩm, dịch vụ xanh và thị phần, lợi nhuận tăng cao.
Hơn nữa, người tiêu dùng cũng sẵn lòng chi trả một khoản tiền lớn hơn để được sử dụng các loại sản phẩm xanh. Đây chính là động lực rất lớn để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đứng vững ở thị trường nội địa và phát triển ra thế giới. Bằng việc sản xuất xanh, doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Các dòng sản phẩm tiêu dùng xanh
Nổi bật nhất trong xu hướng sử dụng các sản phẩm tiêu dùng xanh là vật dụng làm từ chất liệu dễ phân huỷ, không chứa chất độc hại. Một số loại sản phẩm xanh được người tiêu dùng đón nhận tích cực trong thời gian gần đây có thể kể đến như:
- Vật dụng chất liệu giấy gồm túi, ly, bát,... dễ phân hủy và không gây hại cho môi trường.
- Vật dụng từ nhựa tái chế, có thể tái sử dụng, giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu phát sinh chất thải.
- Vật dụng có chất liệu gỗ, tre, nứa như ống hút, cốc, giỏ, làn, bàn chải đánh răng... không chứa chất độc hại, an toàn và có thể phân hủy sinh học tự nhiên.
- Ngoài ra còn có một số dòng sản phẩm khác có nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên như mỹ phẩm, quần áo, sản phẩm handmade tái chế,....
Mối quan hệ giữa sản xuất xanh và tiêu dùng xanh
Tiêu dùng xanh mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn sản phẩm tiêu dùng thông thường, doanh nghiệp phải giải quyết nhiều vấn đề. Do đó, giải quyết mâu thuẫn lợi nhuận trong mối quan hệ giữa sản xuất xanh và tiêu dùng xanh là bài toán lớn nhất.
Để sản xuất ra một sản phẩm xanh, yêu cầu về chi phí, thời gian và công nghệ cao hơn so với sản xuất sản phẩm thông thường. Trong khi đó, công nghệ và nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp “xanh” tại Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, muốn thúc đẩy tiêu dùng xanh cần có sự chung tay của toàn xã hội, chính phủ và doanh nghiệp.
Có thể thấy, nền kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng. Do đó, tăng cường triển khai và ứng dụng các chính sách tiêu dùng xanh là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nền kinh tế-xã hội bền vững.